Nên mang gì khi đi du học ở Nhật Bản?
Các bạn tân du học sinh thường hoang mang không biết nên mang theo những gì khi mà cái gì cũng muốn mang nhưng số ký hành lý lại khá ít ỏi? Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc chuẩn bị hành trang khi đi du học Nhật Bản là chỉ mang những đồ không thể hoặc khó mua tại Nhật Bản, bên cạnh những vật dụng, giấy tờ hồ sơ bắt buộc phải có như giấy nhập học, hộ chiếu, laptop… Một số gợi ý sau sẽ giúp các bạn có hành trang vừa gọn nhẹ vừa hợp lý.Cùng theo dõi bài viết dưới đây để “bỏ túi” cho mình những thông tin thật bổ ích nhé!
Hành lý xách tay
Thông thường, bạn sẽ được phép mang tối đa 7 kg cho hành lý xách tay. Dựa vào đây, bạn cần xác định những hành lý xách tay cần mang theo như giấy tờ, tiền, các thiết bị điện tử,…
1.Giấy tờ cần thiết trước mắt
Hộ chiếu, visa, vé máy bay là 3 loại giấy tờ quan trọng nhất mà bạn cần mang theo bên người bởi đây là những loại giấy tờ thường xuyên phải dùng đến trong quá trình xuất nhập cảnh tại sân bay. Bạn nên chuẩn bị một chiếc túi đeo nhỏ để đựng tất cả những loại giấy tờ quan trọng này thay vì một chiếc vali lớn cồng kềnh. Mẹo nhỏ này giúp bạn tránh để quên, bỏ sót giấy tờ tại sân bay, hạn chế những rắc rối không đáng có và phát sinh các vấn đề không thể lường trước.
2.Tiền mặt
Trong vali hành trang cho cuộc sống xa nhà của du học sinh thì tiền mặt là một thứ không thể thiếu được. Không cần mang quá nhiều bên người, tuy nhiên bạn cần bỏ vào túi đeo trong hành lý xách tay một chút xíu tiền, đặc biệt là tiền yên để phòng trường hợp có vấn đề phát sinh như mua thêm cân tại sân bay, chi phí đi lại, chi phí điện thoại, chi phí ăn uống và sử dụng dịch vụ,…
Một lưu ý nho nhỏ cho các bạn là, cả tiền mặt và tiền thẻ nên mang theo bên người thay vì cất giữ trong hành lý ký gửi để tránh trộm cắp, thất lạc, nhầm lẫn khó tìm và để dễ quản lý.
3.Các thiết bị điện tử
Smartphone là một trong những vật dụng “bất ly thân”, ngoài ra máy ảnh, laptop cũng là những vật dụng cần điểm tên trong danh sách hành lý xách tay của bạn. Bởi vì, những thiết bị điện tử này cần được đảm bảo kỹ càng để tránh va đập, trầy xước. Mang theo bên người giúp bạn chủ động trông nom, tránh hỏng hóc, rơi vỡ. Ngoài ra bạn có thể mang theo máy nghe nhạc để giúp thư giãn trong một chặng bay dài từ 5-7 tiếng. Một chiếc sạc dự phòng đầy pin cũng rất cần thiết cho chuyến đi thêm phần chủ động và tiện lợi hơn.
Hành lý ký gửi
Tùy vào từng hãng máy bay mà số cân hành lý ký gửi có phần khác nhau. Tuy nhiên số cân hành lý ký gửi sẽ dao động trong khoảng từ 20-40 kg.Một lưu ý cho các bạn là trước khi sắp xếp đồ, cần thật kỹ các vật dụng bị cấm trong hành lý ký gửi để tránh bị giữ lại ở cửa kiểm tra an ninh, gây rắc rối trong chuyến bay.
1.Giấy tờ cần thiết sau này
Bên cạnh các loại giấy tờ liền thân như visa, hộ chiếu bạn nên chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm bản sao các loại giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, văn bằng chứng chỉ, bằng tốt nghiệp, bảng điểm… có công chứng, phòng khi cần thiết. Đặc biệt, bạn nên đem theo nhiều hình thẻ cỡ 3×4,cỡ 4×6 vì chụp hình thẻ ở một số nước, như các nước phương Tây, không rẻ và bạn thường phải tự chụp bằng máy tự động nên có thể không đẹp.
Lưu ý là học bạ cấp ba, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh không cần thiết mang bản gốc bởi đây là những giấy tờ quan trọng và mất thời gian công sức để là lại. Nhật cũng chỉ yêu cầu có bản sao là được. Nếu ở Nhật cần thì gia đình bạn có thể scan và gửi qua được.
2.Quần áo
Với tâm lý “tiết kiệm” vì cho rằng mang quần áo ở nhà sang sẽ rẻ hơn nên có rất nhiều bạn du học sinh mang theo rất nhiều quần áo. Tuy nhiên không phải quần áo nào cũng thật sự cần thiết và phù hợp với khí hậu Nhật Bản. Một lời khuyên là bạn nên mang những loại quần áo mỏng mặc bên trong, quần áo ngủ, quần áo mặc ở nhà; đồ lót, tất, khăn len, mũ; áo khoác mỏng như áo gió, áo kaki và một vài trang phục đi học cần thiết như áo sơ mi, áo phông cho mùa hè và mùa thu.
Thời tiết của Nhật lạnh hơn so với Việt Nam. Đồ mùa đông đem theo sẽ rất tốn diện tích hành lý, hơn nữa nó cũng không thật sự phù hợp cho cái rét lạnh ở Nhật Bản. Đồ ở Nhật cũng không phải quá nên việc mang nhiều quần áo không cần thiết, không hợp lý sẽ vừa mất công sức lại không được ích lợi gì.
3.Vật dụng cá nhân
Một số vật dụng thiết yếu như dầu gội, sữa tắm, bàn chải, khăn mặt,… sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều bởi khi mới đặt chân sang một đất nước xa lạ, sự bỡ ngỡ ban đầu là điều khó tránh khỏi. Sau khi đã dần thích nghi, bạn có thể mua sắm thành thạo ở bên này bởi giá cả cũng rất hợp lý và đảm bảo cả về chất lượng.
4. Thức ăn/ Đồ ăn liền
“Những chỗ trống trong vali nên được lấp đầy bằng đồ ăn Việt Nam” là kinh nghiệm mà du học sinh truyền lại cho nhau. Khẩu vị ăn của Việt Nam sẽ rất khác so với Nhật Bản, nên thời gian đầu bạn sẽ khó thích nghi. Lúc đó, đồ ăn liền mà tiêu biểu là mỳ gói sẽ trở thành ”cứu tinh” của bạn.
Ngoài ra, bạn nên mang theo gia vị Việt (bột nêm, gia vị phở, bò kho, nước mắm,…).Bạn cũng có thể mang theo một số món đặc trưng Việt Nam như cà phê, kẹo dừa làm quà cho những người bạn mới quen. Đây cũng là một gợi ý không tồi! Không cần mang theo quá nhiều, bạn có thể mang một lượng vừa đủ. Sau này, có gia đình, bạn bè sang chơi có thể nhờ mọi người” tiếp tế”. Vì vậy, đồ ăn liền là một trong những nhu yếu phẩm không thể thiếu trong list đồ hành lý ký gửi nhé!
5.Thuốc men
Đây là một thứ không thể thiếu trong vali đồ mà bạn cần mang khi đi du học. Không giống như ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng, bạn chỉ được mua thuốc khi có đơn kê của bác sĩ. Hơn nữa, việc khám bệnh và kê toa không hề đơn giản và thường phải mất ít nhất một tuần mới có thể đặt lịch hẹn khám. Do đó, bạn cần mang theo một số loại thuốc thông thường: kháng sinh, thuốc cảm, thuốc đau bụng… nhằm giải quyết một số bệnh nhẹ khi cần thiết hoặc các bệnh mà mình hay mắc để có thể tiện lợi dùng ngay khi cần.
Khép lại, có một thứ quan trọng nhất mà bạn không thể thiếu trong hành trang du học của mình đó chính là tâm lý , tâm thế sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, sự bản lĩnh tự lập với cuộc sống xa nhà!
Chúc các bạn thành công!