• hotline Hotline: 0865.821.086
  • email Email: contact@ecs.edu.vn

Liên kết mạng xã hội

8 sai lầm khi xin học bổng du học Mỹ

Viết hồ sơ quá dài, cố tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để gây ấn tượng là sai lầm phổ biến của ứng viên xin học bổng du học Mỹ. Đại diện phụ trách tuyển sinh của các trường đại học Mỹ chia sẻ và đưa ra lời khuyên về những điều cần tránh khi làm hồ sơ xin học bổng Mỹ.

1.Quên đọc hướng dẫn

Các chuyên gia khuyên học sinh cần đọc kỹ yêu cầu của trường vì không phải trường nào cũng giống nhau. Mike Perry, Giám đốc tuyển sinh Học viện Công nghệ Florida chia sẻ: “Trong một số trường hợp, nếu không có thành tích tương ứng, học sinh có thể bỏ trống một vài ô trong hồ sơ thay vì điền bừa hoặc khai man”.

Tuy nhiên, ông Mike cho biết việc này không được khuyến khích vì các yêu cầu của hồ sơ giúp trường hiểu về ứng viên. Việc đọc kỹ yêu cầu và cung cấp đầy đủ thông tin giúp tăng cơ hội trúng tuyển của ứng viên.

2.Để bố mẹ quyết định mọi thứ

Đại diện tuyển sinh các trường cho rằng bố mẹ nên tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị hồ sơ của con cái nhưng cần có giới hạn, không nên thay con điền đơn, viết bài luận hoặc kiểm soát việc giao tiếp của con với nhà trường.

Sarah Richardson, Phó giám đốc phụ trách quản lý tuyển sinh Đại học Nebraska nói: “Bố mẹ nên hướng dẫn, hỗ trợ, giúp con chú ý đến yêu cầu và thời hạn nộp hồ sơ thay vì làm thay con mọi việc”. Các đại học Mỹ muốn tìm kiếm và trao học bổng cho những học sinh chủ động, không dựa dẫm vào bố mẹ.

3. Viết hồ sơ quá dài

Không chỉ bậc cử nhân, ngay cả hồ sơ xin học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, các chuyên gia cũng khuyên ứng viên không nên viết quá dài. Nếu tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và có nhiều thành tích, ứng viên chỉ nên chọn hoạt động nổi bật và quy mô nhất, liên quan đến ngành ứng tuyển.

Leigh Weisenburger, Trưởng bộ phận tuyển sinh và hỗ trợ tài chính Đại học Bates (ở Manie), chia sẻ: “Ứng viên chỉ cần làm một bản sơ yếu lý lịch 1-2 trang và không nên vượt quá 3 trang. Ngắn gọn, chính xác và đầy đủ là những điều chúng tôi cần từ hồ sơ của các em”.

4. Gửi hồ sơ hoặc bài luận mà chưa soát kỹ

Công cụ kiểm tra lỗi chính tả hữu dụng nhưng không thay thế được việc ứng viên tự mình kiểm tra lại tài liệu, chứng chỉ trong hồ sơ.

Walter Caffey, Phó chủ tịch phụ trách tuyển sinh và hỗ trợ sinh viên Đại học Wheaton, cho biết: “Chúng tôi gặp rất nhiều bài luận lỗi chính tả, lỗi đánh máy do học sinh soát không kỹ. Tất nhiên điều này không phải lý do trực tiếp nếu hồ sơ bị loại nhưng những ứng viên cẩu thả như vậy sẽ không gây được cảm tình với đại diện tuyển sinh của trường”.

5. Lặp lại thông tin trong hồ sơ

Ethan Sawyer, người phụ trách đọc bài luận xin học bổng, khuyên ứng viên không nên lặp lại thông tin nhiều lần trong hồ sơ.

Ông lấy ví dụ, ứng viên muốn thể hiện sự chăm chỉ bằng cách nhắc đến yếu tố này trong bảng điểm, giới thiệu cá nhân, bài luận phụ, người đọc sẽ cảm thấy nhàm chán và “không có gì thú vị ở ứng viên này”. Thay vào đó, bạn có thể nói về những khía cạnh khác của bản thân như hài hước, yêu thể thao…

6.Sao chép thông tin

Những người làm công tác tuyển sinh ở các trường đại học phải đọc hàng nghìn bài luận nên hoàn toàn biết được ai đang sử dụng thông tin không đúng sự thật, sao chép của người khác.

Walter Caffey, Phó chủ tịch phụ trách tuyển sinh và hỗ trợ sinh viên Đại học Wheaton, nói: “Trước khi học hỏi bất cứ điều gì cao siêu, chúng tôi cần học sinh trung thực, là chính các em chứ không phải lấy ý tưởng của người khác để biến thành của mình”.

Ông cũng khuyên ứng viên nên dùng từ “you” (bạn) thay vì dùng từ “they” (họ) để tăng sự tương tác, khiến người đọc chú ý vào bài luận hơn.

7. Làm quá nhiều hoạt động ngoại khóa để gây ấn tượng

Các trường đại học muốn tuyển ứng viên năng động, toàn diện nhưng điều đó không có nghĩa họ thích một người tham gia quá nhiều hoạt động chỉ để làm đẹp hồ sơ. Đại diện tuyển sinh có xu hướng ít quan tâm vào số lượng hoạt động mà tập trung xem từ hoạt động đó, học sinh đã làm được gì đóng góp cho cộng đồng.

Học sinh không nên phóng đại các hoạt động hoặc khai không đúng sự thật. Ngay cả khi đã được chấp nhận cấp học bổng, nếu trường phát hiện học sinh gian dối vẫn có thể bị hủy bỏ kết quả.

8. Quên kiểm tra yêu cầu về chương trình giảng dạy

Tất cả học sinh cần kiểm tra thời khóa biểu và tham gia các lớp học bổ trợ nếu trường yêu cầu. Ví dụ, muốn nhập học chương trình kỹ thuật, một số trường yêu cầu học sinh học thêm vật lý và toán trước khi nhập học chính thức.

Ứng viên có thể tìm thấy các yêu cầu về chương trình trên website của trường. Nếu không có hoặc thông tin chưa đầy đủ, bạn có thể gửi email cho trường hỏi trực tiếp.

FACEBOOK

Chuyên mục

© 2023 Copyright Du Học Toàn Cầu. Thiết kế bởi ECS Media